Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Sống "Tám Mối Phúc Thật"

Bài viết sau đây là một trong các bài giảng của LM Dr. Francis Hồ Ngọc Thỉnh trong dịp Tam Nhật Tĩnh Tâm 2012 tại Hamburg, từ ngày 12. đến ngày 14.10.2012, với chủ đề: "Sống Đời Hạnh Phúc Trong Đức Tin“. (Ban Đại Diện CĐCGHH)
............................................



1- Bài Giảng Trên Núi

Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”.

B.C: Đọc kinh PT Tám Mối: „Thứ nhất: ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật…“

Bài giảng trên núi là một bản văn được đặt tên là “Hiến chương của Nước Trời”, đặc biệt được phụng vụ trưng bày cho chúng ta như tiêu chuẩn để thực hiện cuộc cải hoán tâm trạng trong cuộc sống, nhân ngày Lễ Các Thánh.

„Bài giảng trên núi“ cũng là tên bài giảng ra mắt của Chúa Giêsu, được thánh Matthêu ghi lại trong ba chương 5,6,7. Được gọi là bài giảng, bởi nó bắt đầu với thái độ của một giảng viên "Đức Giêsu ngồi xuống... mở miệng dạy" (chương 5, câu 1-2), và kết thúc với những lời ở cuối chương 7: "Khi đức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người" - Gọi là trên núi bởi vì ở đầu chương 5, thánh Matthêu đã viết : "Thấy đám đông, đức Giêsu lên núi", và ở đầu chương 8, thánh sử viết: "Khi Đức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người". Vì vậy mà kể từ thánh Augustinô, các học giả đã gọi là "bài giảng trên núi" (De sermone Domini in monte).

Bài Giảng Trên Núi ghi lại nguyên văn những lời của chính Chúa Giêsu, hay là do thánh Matthêu đã thu gom những câu nói lẻ tẻ của Chúa rồi xếp lại thành một bài giảng ? Câu hỏi này được đặt lên khi mở quyển Phúc âm thứ ba, chúng ta gặp thấy những câu nói tương tự với Bài Giảng Trên Núi, nhưng lại được thánh Luca đặt trong một khung cảnh khác, trong chương 6, từ câu 17 đến câu 49. Trước tiên, xét về địa lý, thì bài giảng này được công bố ở cánh đồng bằng dưới chân núi (câu 12). Xét về thời gian, thì nó không phải là bài giảng ra mắt của Đức Giêsu nữa, nhưng sau một thời gian hoạt động công khai. Cần thêm rằng, bản văn của thánh Luca ngắn hơn là Bài
Giảng Trên Núi (30 câu, sánh với 100 câu của Matthêu).

Sự đối chiếu giữa hai thánh sử về những chi tiết ngoại cảnh của bài giảng đã đưa các học giả tới giả thuyết là có lẽ Đức Giêsu đã không có công bố một bài giảng nào trên núi vào lúc khai mạc sứ vụ của mình, nhưng thánh Matthêu đã thu gom những lời giảng lẻ tẻ của Người và xếp đặt lại thành một bản tuyên ngôn. Bài giảng này được đặt trên núi bởi vì thánh Matthêu muốn gán cho nó một ý nghĩa thần học đặc biệt. Trong Cựu Ước, ông Maisen đã nhận lãnh luật Chúa trên núi Sinai (Xh 19,3; 24,13.15.18; 34,4). Giờ đây, cũng giống như ông Maisen, đức Giêsu lên núi để gặp gỡ Thiên Chúa, và rồi từ đó Người giải thích và kiện toàn lề luật của Maisen. Thiết tưởng cũng nên biết là theo thánh Matthêu, sau khi sống lại Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ ở trên núi (28,16), và từ đó Người sai họ mang Tin mừng đi khắp thế giới.

Thiết tưởng đối với chúng ta câu hỏi quan trọng hơn phải là: thánh Matthêu có dụng ý gì khi thu thập các lời của Chúa vào Bài Giảng Trên Núi ? Nói cách khác, Bài Giảng Trên Núi dành để làm gì? Bài Giảng Trên Núi nhằm đưa ra những lý tưởng cao đẹp để chiêm ngắm, hoặc chứa đựng những mệnh lệnh phải thực hành ?

Có ba khuynh hướng chính trong việc giải thích Bài Giảng Trên Núi.

= 1- Bài Giảng Trên Núi không dành cho hết mọi người mà chỉ dành cho một thiểu số. Khuynh hướng này lưu ý tới chỗ là ở đầu Bài Giảng Trên Núi thánh Matthêu đã nói rõ: Chúa Giêsu dạy các "môn đệ" chứ không phải dạy hết mọi người. Bài Giảng Trên Núi dành riêng cho những ai muốn làm môn đệ của đức Kitô, muốn theo Người sát gót và họa lại cuộc sống của Người.

= 2- Bài Giảng Trên Núi dùng một thể văn bóng bảy, để nhấn mạnh tới vai trò của ý định trong đời sống luân lý. Giá trị của các hành vi không hệ tại việc làm bên ngoài cho bằng chủ ý nội tâm.

= 3- Bài Giảng Trên Núi không đề ra một bài học luân lý, nhưng vạch cho con người thấy mình phải ràng buộc bởi bao nhiêu thứ nô lệ (đói nghèo, bị bắt bớ, chiến tranh, tranh chấp, bóc lột… các đề tài của chủ nghĩa Cộng Sản và của Thần Học Giải Phóng, chủ trương phải dùng bạo lực để giải thoát). Con người chỉ có thể được giải thoát khỏi những tròng nô lệ đó khi biết hoàn toàn để cho lòng khoan nhân của Chúa dìu dắt.

Nói cách khác Tám Mối Phúc Thật là Chìa Khóa mở cửa Thiên Đàng cho chúng ta. Nhưng trước khi đi vào chi tiết, mời các bạn nghe câu truyện sau đây:

Truyện (1)

Chuyện kể rằng, một thày dòng nọ đọc đâu được trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ mách bảo cho biết rằng: “Tận cùng chân trời của trái đất là nơi trời với đất gặp gỡ nhau”.

Phấn khởi vui mừng, thầy lên đường tìm kiếm nơi trời mới đất mới gặp nhau và sẽ không trở về nhà cho tới khi tìm được. Ngày tháng trôi qua, thầy vẫn kiên nhẫn rảo bước khắp nơi với niềm hy vọng mãnh liệt trong tâm hồn, bất chấp mọi khó khăn gian khổ và thử thách, những lần phải chịu đói khát, giá rét và không gì có thể lay chuyển được ý định của thầy. Trong bộ sách khôn ngoan cũ kỹ ấy có chỉ thêm rằng: “Khi tới chỗ đất với trời gặp nhau sẽ thấy có một cánh cửa, chỉ cần gõ nhẹ cánh cửa sẽ mở ra và người ấy sẽ gặp thấy Thiên Chúa”.

Thật vậy, sau nhiều ngày tháng đi tìm kiếm đó đây khắp mặt đất, cuối cùng thầy dòng đã tới trước cánh cửa. Thầy vui mừng gõ cửa bước vào, lúc đó thầy dòng mới hoảng hồn nhận ra đó là Tu viện cũ của thầy, là cửa của căn phòng mà thầy đã từng sống bao nhiêu năm qua.

Phải, Thiên Đàng rất gần gũi với bạn, ở ngay bên cạnh bạn, ở trong nhà bạn, ở trong lòng bạn? Đó là con đường bí mật của Tám Mối Phúc Thật đối với chúng ta.

2- Bài Giảng Trên Núi dành cho những ai?

Là người Kitô hữu, chắc hẳn chúng ta đã được nghe qua đoạn Phúc âm này nhiều lần hoặc đã thuộc lòng kinh Phúc Thật TM. Tám mối Phúc thật là những điều được Thiên Chúa chúc phúc, là thái độ sống mang lại hạnh phúc cho con người và là điều đáng mơ ước của mỗi Kitô hữu. Thế nhưng trong tám mối Phúc thật, chúng ta lại chỉ thấy đa số toàn là những điều xem ra đau khổ và bất hạnh cho kẻ nghèo khó, kẻ than khóc, kẻ đói khát, kẻ chịu bắt bớ, chịu sỉ nhục!... Tại sao thế? Có phải làm người Kitô hữu thì thiệt thòi quá chăng? Hạnh phúc lại không thể tìm gặp ở những nơi giàu sang phú quý, vui vẻ, may lành, được chức quyền và ca tụng sao? Thế nào là hạnh phúc thực sự của con người?

Trước hết chúng ta phải hiểu Tám mối Phúc thật không phải dành cho một số loại người trong xã hội, chẳng hạn người nghèo đói, bệnh tật, bất hạnh... nhưng Tám mối Phúc thật có ý nói đến tinh thần và thái độ sống của mỗi người trong hoàn cảnh sống hiện tại của mình. Thiên Chúa không muốn cho con người phải sống trong đau khổ, nghèo túng và bất hạnh, nhưng Ngài muốn con người tìm thấy ý nghĩa và sự bình an giữa những thiếu sót, yếu đuối và bất toàn của cuộc đời. Ðó là Tin mừng giải thoát của người Kitô hữu, bởi vì là con người, ai lại không hơn một lần sa ngã yếu đuối hoặc gặp rủi ro bất hạnh cách này cách khác. Do đó, tinh thần của Tám mối Phúc thật là một tinh thần khiêm nhượng hiền hòa, biết sống vị tha, nhân ái, kiến tạo hòa bình và đặt niềm hy vọng cậy trông vào sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Con người trải qua mọi thời đại, ai ai cũng khắc khoải đi tìm một nguồn hạnh phúc chân thật, trường cửu, một nguồn hạnh phúc thẳm sâu tận đáy lòng và sẽ không nhạt nhòa theo thời gian và những biến đổi của đời sống. Thế nhưng đồng thời cũng thấy trong dòng đời không thiếu những nhà triệu phú, tỉ phú mà đời sống thật tẻ nhạt, quạnh hiu. Lại cũng không thiếu những minh tinh tài tử sắc đẹp lộng lẫy, tài năng lỗi lạc, danh vọng cao ngất, thế mà đã tự kết liễu đời mình vì đau khổ, thất vọng ! Mời bạn hãy đọc những dòng chữ nói về tiền bạc như sau:

"Tiền bạc có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách vở nhưng không mua được trí tuệ; có thế mua thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng; có thể mua được nữ trang nhưng không mua được sắc đẹp; có thể mua căn nhà nhưng không mua được mái ấm gia đình; có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua sự lộng lẫy sang trọng nhưng không mua được hạnh phúc và bình an; có thể mua cây thập giá nhưng không mua được Ðấng Cứu Chuộc; có thể mua của lễ nhưng không mua được thiên đàng."

Những điều mà tiền bạc không thể mua được thì chính Thiên Chúa có thể ban tặng cách nhưng không. Người mang tinh thần của Tám mối Phúc Thật là người có tâm hồn thanh thoát và tìm thấy hạnh phúc chân thật không phải ở những của cải vật chất nhưng ở những grá trị tâm linh, không phải ở trần gian này mà ở đời sống vỉnh cữu mai hậu. Các thánh là những người đã biết sống tinh thần của Tám Mối Phúc thật này khi còn sống và giờ đây các ngài đang tận hưởng nguồn hạnh phúc bất diệt trong cõi sống trường sinh trên thiên quốc. Vậy Như thế nào là thiên đàng? Thiên đàng ở đâu?

Truyện (2)

Có một người vượt qua muôn vàn gian khổ để đi tìm thiên đàng, cuối cùng đã tìm thấy. Anh ta vui sướng đứng trước cửa thiên đàng hô to: “Tôi đã đến được thiên đàng rồi!”. Lúc đó người gác cổng thiên đàng bỗng nhiên hỏi anh ta: “Đây là thiên đàng ư?” Anh ta ngẩn người ra hỏi: “Chẳng nhẽ ông chẳng biết đây là thiên đàng?” Người gác cổng lắc đầu hỏi: “Anh từ đâu đến?” Anh ta trả lời: “Từ địa ngục”.

Người canh cổng TĐ mà không biết mình đang đứng trước TĐ, bởi vì đã quá quen thuộc. Người từ Hỏa Ngục lên thì biết ngay đó là TĐ. Bởi nếu bạn khát, nước là thiên đàng; - nếu bạn mệt, chiếc giường sẽ là thiên đàng; - khi bạn thất bại, thành công là thiên đàng; - khi bạn đau khổ, vui sướng là thiên đàng…và nếu bạn chưa đi qua địa ngục thì khó có thể hình dung hay nhận ra thiên đàng là gì.

Ví dụ: làm những điều ác là địa ngục, làm những điều lành là thiên đàng; - sống làm khổ mình khổ người là địa ngục, sống không làm khổ mình khổ người là thiên đàng; -  sống với lòng tham lam trộm cắp là địa ngục, sống với tâm hồn rộng lượng khoan nhân là thiên đàng; - sống với tâm tà dâm là địa ngục, sống với đức chung thủy là thiên đàng; - sống với tâm dối trá là địa ngục, sống với lòng thành thật là thiên đàng; - sống rượu chè say xỉn là địa ngục, sống với tinh thần trong sáng, thanh thản, an lạc là thiên đàng! Vậy thiên đàng, địa ngục ở bên cạnh chúng ta chứ có ở đâu xa mà đi tìm. Phải không các bạn?

Thiên Đàng chính là Nước Trời được nhắc tới trong TMPT:

Chỉ riêng Tin Mừng theo Thánh Matthêu, đã có tới 33 lần ý niệm về "Nước Thiên Chúa " được nhắc đến một cách rất rộng rãi, rất phổ cập. Phần lớn Chúa Giêsu dùng lối nói dụ ngôn, lối nói ám chỉ, lối nói ẩn dụ. Điển hình, Ngài nói:
- " Nước Trời như một kho báu, cất giấu trong ruộng, người kia gặp thấy thì giấu đi, và bởi vui mừng, người đó đi bán tất cả những gì đang ta có mà tậu thửa ruộng đó " ( Mt 13 : 44 ).
- " Nước Trời thì cũng y như người kia đi gieo giống tốt trong ruộng mình.Trong khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù người ấy đến gieo cỏ lùng vào giữa lúa rồi đi" ( Mt 13:24 ).
                - "Nước Trời lại cũng giống như lưới thả xuống biển " (Mt 13 :47).
                - "Nước Trời thì cũng như vua kia tính sổ với bầy tôi " (Mt 18 :23)
               
Ngay cả câu truyện về "mười người trinh nữ được chọn lựa để đi đón lang quân trong một đêm tiệc cưới" - vì người Do Thái thời đó thường tổ chức đón dâu về ban đêm -  cũng đã được Chúa Giêsu khéo léo kể lại để ám chỉ về "Nước Trời" ( Mt 25: 1-13).
" Nước Thiên Chúa ",  hay " Nước Đức Chúa Trời "…

Chúng ta có thể quả quyết rằng, " Nước Trời" hay " Nước Thiên Chúa ", là một thứ hạnh phúc siêu nhiên tuyệt đối, là quyền năng của Thiên Chúa toàn năng, được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô để Ngài tạo nên một dân tộc mới. Ngài ban bố những huấn chỉ, những lệnh truyền mới. Tất cả những ai muốn được vào "Nước Trời" đều phải qui phục quyền tối thượng của Chúa Giêsu, nhận Ngài là Cứu Chúa của mình, được sinh lại qua Bí Tích Thánh Tẩy,  luôn luôn tùng phục, tuân giữ, và thực hành giới răn của Ngài mà những ai có „tinh thần nghèo khó“ (tinh thần trống rỗng để dễ đón nhận, như bình hoa chưa có hoa cắm vào), thì sẽ được Ngài chúc phúc.
  
3- TMPT trong Hiến Chương Nước Trời

Chúng ta đọc Bài Giảng Trên Núi trong các chương 5,6 và 7 của Tin Mừng Matthêu. Tác giả đã gom vào đây nhiều điều Chúa Giêsu nói trong những hoàn cảnh khác nhau, làm thành bài giảng khai mạc Nước Trời, quen gọi là Bài Giảng Trên Núi hay Hiến Chương Nước Trời. Trước mặt Chúa có đám đông và bên cạnh Ngài có các môn đệ. Cảnh tượng này có thể gợi ngay ra cho chúng ta một suy nghĩ : Đám đông thấy gì ? Các môn đệ thấy gì ? Chúa Giêsu thấy gì ?

a- Đám đông thấy Chúa và các môn đệ bên Ngài. Những con người này, chỉ mới đây thôi, còn thuộc vào số họ, sống đời thường như họ. Thế mà giờ đây, các ông lại là những con người khác, hoàn toàn thuộc về Chúa, sống với Chúa, rong ruổi với Chúa. Có điều gì đó xẩy đến với các ông mà không phải với người khác. Điều đó, đám đông có thể biết rõ.

b- Còn các môn đệ thì sao? Các ông thấy đám đông. Các ông đã xuất thân từ họ, và sau này sẽ được Chúa sai đến với họ, bởi các ông sẽ được Chúa đặt làm Tông đồ, tức những người được sai đi.

c- Cuối cùng là Chúa Giêsu. Ngài thấy gì? Bên cạnh mình là hạt nhân của Giáo Hội. Ngoài kia là tất cả những người được Ngài kêu gọi qua trung gian các môn đệ, để làm thành một Giáo Hội rộng lớn. Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến. Các môn đệ là những người được Ngài sai đi. Ngài biết các ông sẽ bị thế gian từ chối, giống như  thế gian đã chối từ Ngài trước. Cả Ngài lẫn các ông cùng sống chung mầu nhiệm Thập Giá. Đương nhiên, chúng ta cũng phải suy nghĩ về mình, để mỗi người có thể đi vào tinh thần của Tin Mừng, đặc biệt tinh thần của TMPT.
“Chúa mở miệng dạy họ”: một công thức quen thuộc trong Kinh Thánh để nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều sắp được nói ra. Nhưng trước đó, hẳn đã có những giây phút thinh lặng. Chúng ta cũng biết dành ra những giây phút thinh lặng, trước khi suy niệm những lời Chúa công bố.

Phúc thay… Khác với những lần giảng dạy khác, ở đây ta không thấy Chúa dùng những lời có vẻ đe doạ hay huấn dạy kiểu như: „nếu chúng con không làm điều nảy điều nọ… thì sẽ phải chịu hình phạt này nọ…“. Hay „chúng con phải vác thánh giá, không đuợc ngoại tình, phải từ bỏ của cải, hãy bỏ cha me anh chị em… mà theo Ta“ v. v… Nhưng trong TMPT Chúa chúc lành, chúc phúc, nói những lời tốt đẹp cho mọi người, giống như khi người ta chúc mừng sinh nhhật ai, chúc mừng khi dự đám cưới, khi mừng các lễ lớn như Giáng sinh, Phục Sinh… Theo lời hứa thì cả đám đông phải được hạnh phúc, nhưng các môn đệ đã đáp lời Chúa kêu gọi, nên được hạnh phúc ngay từ lúc này. Các ông hạnh phúc vì được giải thoát khỏi những gì mình có. Niềm vui là kết quả của tự do. Nước Trời thuộc về các ông trước khi thuộc về người khác, vì các ông là những con người tự do, „có tinh thần khó nghèo“, hay „khó nghèo trong lòng“.

Tất cả Tám Mối PT giống như một viên kim cương, tuy toả ra những ánh sáng lấp lánh khác nhau nhưng chỉ là một viên kim cương. Bẩy mối phúc trước quy về sự nghèo khó (Các mối phúc từ 2 đến 7 chỉ là những cách diễn tả chi tiết mối phúc đầu tiên về sự nghèo khó). Mối phúc cuối cùng như một thứ kết luận : Nếu anh em sống như trên, chắc chắn anh em sẽ bị người đời bách hại, vì quấy động cuộc sống của họ, khiến họ phải lo lắng. Và vì muốn yên thân, không bị ai quấy nhiễu, họ sẽ gây khó dễ cho anh em.

1. Phúc thay những người nghèo

Chúa chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Nghèo Phúc Âm là nghèo thế nào? Chúa Giêsu thương yêu người nghèo. Phúc Âm hay Tin Mừng cũng vậy, được Chúa Cứu Thế đem đến, cách riêng, cho những người nghèo khổ như lời sấm ngôn qua miệng Tiên Tri I-sa-i-a đoạn 61 câu 1, mà Thánh Luca đã nhắc lại:

- " Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó " Lk 4:18 ).
Ngài thương yêu cách riêng những người cùng khổ, ở đây, phải được hiểu là: Con người với mọi nỗi khổ, mọi loại cùng khổ. Tinh thần của Đạo Phúc Âm là tinh thần đặc biệt lưu tâm, chú ý, để ý đến, và đặt trọng tâm vào người nghèo. Chúa Giêsu đã lấy người nghèo làm trung tâm điểm của giáo lý Ngài dậy.

-" Nếu con muốn trở nên toàn hảo, hãy bán hết gia tài sản nghiệp đi, và đem cho người nghèo, con sẽ được kho tàng châu báu trên trời. Rồi đến theo Thày" (Mt.19:21). Xin hãy suy nghĩ, việc bán gia tài của mình và cho  hết đi có ý nghĩa gì?

Hãy nghe đây:

a- Chúa Giêsu đã phán dạy ở một nơi khác:" Vì khi Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát ngươi đã cho uống, Ta bơ vơ, ngươi đã đón mời Ta, Ta cần áo quần, ngươi đã cho ta đồ che thân, Ta đau yếu, ngươi đã chăm sóc cho Ta, khi Ta bị giam cầm trong tù ngục, ngươi đã thăm viếng Ta" (Mt.25:35-36). Đó là „cái nghèo“ thực tế nhất.

b- " Người mù được thấy, kẻ què đi được, người hủi được chữa lành, người chết được sống lại, và Tin Mừng được rao giảng cho những kẻ nghèo khổ " (Mt.11:5). Chính Chúa Kitô đã thực hiện công ơn cứu chuộc của Ngài qua kiếp sống của một người nghèo. Các thánh nhân của Thiên Chúa, tất cả đều đã sống nghèo, đã quay lưng lại trước những sang giầu và của cải vật chất nơi trần thế (Phanxicô Assisi…)

c- Tinh thần của Đạo Phúc Âm là tinh thần bỏ tất cả để vác lấy Thánh Giá mà theo Chúa: " Những ai muốn theo Thày, hãy từ bỏ mình, vác lấy thánh gía  của mình mà theo Thày" (Mt.16:24).
               
Ta hãy tự hỏi khi nhìn vào những thực tế hôm nay: Chúa đi đâu mà theo? Có muốn theo Chúa không? Bỏ mình là bỏ cái gì? Bỏ mình nghĩa là gì? Bỏ mình được định nghĩa là thế nào? Bỏ mình được hiểu là làm sao? Vác lấy thánh gía mình là thế nào?    Tại sao lại gọi là thánh giá? Thánh gía là gì? Tại sao lại phải vác? Kéo, lôi, hoặc đẩy, hay bỏ lên xe hơi, lên máy bay mà chở có được không? Nhờ ai khác, như thuê người khác vác (chuyên chở) cho mình như nhờ UPS, Federal Express, Deutscher Paketsdienst… hoặc Bưu Điện chuyên chở, giao hàng (vác giúp) có được không?
               
Chí lý lắm: Nghèo khổ là thánh gía nặng nhất! Nghèo khổ là thánh gía mỗi người nghèo phải vác lâu nhất. Có khi vác cả một đời cho tới khi nhắm mắt lìa đời cũng vẫn còn nghèo, còn khổ! Nhưng cũng chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã phán: " Phúc cho kẻ nào có tinh thần nghèo khó ". Nghèo khổ là thứ thánh gía ai cũng ghê sợ, ai cũng ớn, ai cũng tởn, ai cũng tránh, ai cũng chỉ muốn quay đi! Ai cũng chỉ muốn trúng số độc đắc cả! Đối với những người nghèo suốt cả một đời thì thánh gía này dữ dằn, ác liệt, ghê gớm lắm. Nhiều người chịu không nổi, nên đã qụy ngã dưới sức nặng của thánh giá (nghèo) này, của nỗi khổ này. Họ đã tự tử. Họ đã trở thành những tay trộm cướp!


Truyện (3)

Thầy Napoléon Almoint đã kể câu chuyện vui sau đây:
Một hôm, Chúa Giêsu hiện ra với hai trong số muôn vàn môn đệ của mình, và Ngài đưa họ đến một đầu đường, rồi trao cho mỗi người một cây thập giá giống nhau và nói:  Mỗi người các con hãy vác lấy thập giá này đi đến cuối đường trước mặt, Thầy sẽ đợi các con ở đó. Nói xong, Chúa biến đi. Hai đồ đệ bắt đầu vác lấy thập giá mình. Người thứ nhất vác lấy thập giá mình cách nhẹ nhàng, chân rảo bước ngày càng nhanh, xem ra như không có vấn đề gì cản trỏ hay gây phiền phức cho anh cả. Nội trong ngày, anh đã đến cuối đường và gặp Chúa Giêsu đang chờ sẵn nơi đó.

Người thứ hai, mãi sang chiều ngày hôm sau mới đi trọn con đường. Có vẻ anh rất mệt mỏi, không còn vác nổi mà chỉ còn biết kéo lê cây thập giá. Thập giá của anh xem ra mỗi lúc một nặng thêm. Anh gần như kiệt sức. Vừa gặp Chúa, anh phàn nàn ngay: Chúa đối xử bất công quá. Chúa cho con cây thập giá rất nặng. Còn anh kia, Chúa cho cây thập giá nhẹ hơn, nên anh đã đến trước con từ lâu rồi.
Gương mặt vui tươi của Chúa bỗng trở nên nghiêm nghị. Chúa đáp: „Này con, Ta không đối xử bất công đâu. Hai cây thập giá giống nhau và nặng bằng nhau. Con đừng trách! Thập giá nhẹ mà trở nên nặng là vì bên trong tâm hồn con. Ngay từ lúc đầu, trong suốt thời gian đi trên quãng đường Ta chỉ, con luôn luôn than phiền, trách móc, thập giá nặng, và càng than phiền, thì thập giá càng trở nên nặng nề. Người bạn đồng hành với con đã đến trước vì lúc nào tâm hồn cũng tràn đầy an vui yêu thương. Tình yêu làm thập giá trở nên nhẹ nhàng. Tình yêu là  đường ngắn nhất dẫn tới Thiên Đàng.

Cái nghèo (Thánh Giá của mỗi người, ai cũng có và phải vác tới đích), như những niềm đau, như những thánh gía, đặt trên vai ta, nhiều lúc như muốn xô đẩy mình qụy ngã dưới sức nặng của nó. Chỉ khi ta biết chấp nhận nó như một thực tế, một thực tại, trong hiện tại, với sự thật, trong nếp sống của mình,  hân hoan với nó, bằng lòng với nó, bằng lòng với kiếp nghèo của mình, sung sướng, vui tươi và thoải mái với mình trong cảnh nghèo, để bước theo Chúa Giêsu, thì nỗi khổ này mới nhẹ nhàng đi được mà thôi. Sách Thánh dạy: " Vì lời rao giảng về thập Thập Giá, đối với những người hư mất, thì là điên dại, nhưng với chúng ta, những kẻ được cứu rỗi, thì lại là quyền năng của Thiên Chúa"(1Cor. 1:18).


2. Phúc thay ai hiền lành

Khiêm nhường, khiêm nhu, khiêm tốn, nhu mì, nhã nhặn, lịch sự, từ tốn, mỏng nhẹ, tế nhị, hòa nhã, ôn tồn,... là biểu hiện của một tâm hồn dễ thương, dễ mến. Phải có ơn Chúa lắm mới có thể cảm nghiệm và hiểu thấu được những Nguyên Lý của  TMPT: "Phúc cho những ai nhu mì, vì sẽ được mặt đất làm của mình".

Chỉ riêng một phúc nhu mì mà thôi, thì đã là một màu nhiệm, lạ lùng, cao qúi, cao siêu, cao vời như một cung đàn tuyệt diệu, một làn hương ngây ngất, chan chứa những hương thơm của Nước Trời. Trong thực tế sự vui tươi, vui sống, vui lòng, vui vẻ chấp nhận cuộc sống, chấp nhận mọi nhiệm vụ, mọi thứ gánh nặng, mọi thứ công việc xảy đến cho mình ở sở làm cũng như trong gia đình nhà mình, cũng đòi phải có lòng khiêm tốn sâu xa lắm. Vì nếu không, nhiều khi dễ bực, dễ bất mãn, dễ lặu bặu, dễ lẩm bẩm, phàn nàn, khó chịu với „xếp“, với bề trên, với con, với chồng, với vợ lắm lắm.

Cách tốt nhất để giữ tình yêu là sự dịu dàng và đừng bao giờ than trách hay kể lể. Đây là một nguyên tắc thuộc lãnh vực tâm lý. Sự dịu dàng là chính sự khiêm nhường, là chính lòng khiêm nhường, là kết qủa của lòng khiêm nhường. Hãy nhìn người mẹ thương con, người vợ thương chồng.

Tấm lòng người mẹ, người vợ, dịu dàng, khả ái và dễ thương ấy, có bao giờ nàng kể lể công lao với chồng, với con đâu? Có bao giờ nàng than trách vì phải phục vụ chồng con bao giờ đâu. Lòng khiêm tốn của những người mẹ, người vợ VN đáng nạm vàng, và đáng để lên khung, lòng gương mà chiêm ngưỡng. Bề ngoài, người khiêm tốn như có vẻ cô đơn. Nhưng trong thực tế, họ có số đào hoa ngầm, họ được mọi người mến chuộng, yêu thương, và tôn kính. Nhiều người chú ý đến họ mà họ chẳng quan tâm tới ai, vì họ không muốn được „bốc thơm“. Người khiêm hạ thì không mặc cảm, không tiêu cực. Người nhu mì biết người biết mình và luôn thành công trong đời sống.
Trong một gia đình, người chồng mà không biết trọng kính vợ mình, mà cứ theo cái thói hách dịch quê mùa cũ kỹ, cứ đòi hỏi vợ  phải trọng kính mình, còn mình thì cứ coi vợ như...." đồ bỏ " (!), những cặp vợ chồng ấy chắc chắn không hạnh phúc. Có chăng chỉ là cái vỏ bên ngoài đấy thôi. Hãy coi chừng: có khối gia đình như thế đấy!


Truyện (4)

Linh mục Bernard Tari, nhà luân lý học nổi tiếng người Đức, đã kể rằng: Kỷ niệm đẹp nhất về việc tông đồ trong đời tôi là lần giải tội đầu tiên. Hôm đó, một người đàn ông đến xưng với cha về một thứ tội dường như không có trong danh mục của bản hướng dẫn xét mình. Người đó xưng thú rằng mình đã không vâng lời vợ.

Lần đầu tiên nghe thứ tội lạ lùng như thế, vị Linh mục mới hỏi hối nhân :
- Từ trước đến nay tôi chỉ nghe nói rằng người vợ phải phục tùng chồng, sao ông lại xưng thú rằng ông đã không vâng lời vợ ?
Người đàn ông giải thích :
- Thưa cha, con có tội, là bởi vì vợ con có lý mà con vẫn không chấp nhận điều đó.
Nghe thế, vị Linh mục hỏi hối nhân : Ông có chấp nhận việc đền tội bằng cách trở về nói với vợ ông rằng bà ta có lý không  ?

Chấp nhận sự có lý của người vợ không phải chỉ là  một việc làm đơn giản. Đó là đòi hỏi cốt yếu của một cái nhìn đúng đắn của người chồng đối với vợ mình. Tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được xây dựng trên sự bình đảng mà thôi.  Đó là điều mà thiết tưởng những người chồng, trẻ cũng như già, nên tâm niệm  mỗi ngày!

Kẻ khiêm nhường là người luôn luôn tỏ lòng biết trọng kính người mình đang tiếp xúc. Trọng kính trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động. Người khiêm nhường không phê phán, không gay gắt luận tội người khác, không dễ luận tội, không dễ kết án người khác, không dễ chê bai, chê trách, không dễ hạ giá, hạ bệ người khác xuống. Người khiêm nhường luôn đề cao người khác, nhìn những cái hay, những điều tốt, những điều lành của kẻ khác. Người khiêm nhường luôn tìm chỗ thấp cho mình. Không tỏ ra nóng vội, khó chịu trước điều xẩy đến bất ngờ, và điều bất ngờ này thì có luôn trong đời. Sự hiền lành cho phép ta từng ngày tìm ra cách đáp ứng với mọi sự cố thông thường hay bất ngờ. Muốn vậy, phải học lấy tinh thần của Đức Kitô và của Mẹ Maria, nữ tỳ của Thiên Chúa qua câu „xin vâng“!


3. Phúc thay ai sầu khổ

Đây là sự sầu khổ hay “nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa”, như lời Phaolô nói trong thư 2Cr 7,10. Chúng ta không ảo tưởng về một cuộc đời chỉ toàn mầu hồng. Ngay cả về tình yêu, cũng không có tình yêu hoàn toàn hạnh phúc. Nói về nhạc của Schubert, tác giả Julien Green viết: “Nơi Schubert, sự chết đã nằm sẵn trong khiêu vũ”. Nhạc Schubert liên tục khiêu vũ, nhưng giữa những nhảy múa, người ta luôn thoáng thấy dáng dấp của sự chết.

Phúc thay những ai, qua kinh nghiệm, biết rằng cuộc đời không thể làm con người thoả mãn hoàn toàn. Phúc thay những ai biết vượt qua những hy vọng mong manh trong đời sống để có lòng trông cậy đích thực. Khi mọi sự tiêu tan nơi Israel, cả hàng tư tế quý tộc lẫn vương quyền, đền thờ, phụng tự đều không còn, thì đó là lúc ngôn sứ Giêrêmia giúp cho dân hiểu rằng không có gì hơn là Thiên Chúa, và Thiên Chúa là tất cả. Đó là những giọt nước mắt mà TMPT muốn nói đến.

Kinh Tám Mối Phúc Thật nói rõ như ban ngày: " Thứ ba: Ai khóc lóc ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy ". Vậy những ai phải than khóc? Tại sao phải khóc than? Than khóc nghĩa là gì? Than khóc vì mục đích gì?

Để trả lời cho những câu hỏi này, ta cần tìm đọc Sách Thánh. Biết bao lần các Tiên Tri đã kêu gọi dân Chúa  " Hẫy ăn năn thống hối ", " Phải ăn năn hối cải ", " Hãy khóc than vì tội lỗi mình " và " Hãy mau mau trở về với Giavê Thiên Chúa" . " Hãy làm hòa với Ngài khi còn thì giờ ":

- " Thiên Chúa gần gũi với những tấm lòng nát tan và Ngài cứu vớt những kẻ mà tâm thần bị nghiền tán " (Tv 34:18)
- " Hãy để chúng đến tìm chốn nương tưạ nơi Ta; hãy để chúng làm hòa với Ta. Phải, hãy để chúng làm hòa với Ta " ( Isa 27:5)

Chúa Giêsu nêu mấy trường hợp rõ rệt  lắm về việc cần phải trở lại với Thiên Chúa là Cha, với lòng thống hối, khóc than tội lỗi mình, để được tha thứ.

a- Trường hợp thứ nhất là: Câu truyện về đứa con phung phá:

Sau khi đã thu quén tài sản, bỏ đi phương xa, ăn chơi trác táng, đàng điếm, phung phí, phá nát hết cả sản nghiệp, người con trai ấy đã xuống đến tận cùng của nấc thang trong xã hội. Hắn đã đứng lên và trở về cùng cha mình để xưng thú tội lỗi: " Cha ơi! Con đã phạm tội với trời và lỗi phạm với cha. Con không xứng đáng để được gọi là con của cha nữa!“ Và người cha ấy - hình ảnh của Chúa trời đất - đầy lòng xót thương, đã mở rộng đôi cánh tay, ôm hắn vào lòng, quên đi mọi lỗi lầm của đứa con ngỗ nghịch ấy.
Hình ảnh "rất người " ấy khiến ta phải suy nghĩ mỗi khi nhớ lại lời Ngài đã phán:  „Phúc cho những kẻ than khóc, vì sẽ được an ủi".

b- Trường hợp thứ hai là: Câu truyện về người thu thuế biết sớm ăn năn hối cải:

Một người thu thuế và một người Biệt phái lên đền thờ để cầu nguyện. Xin nhớ rằng ở vào thời đó, người thu thuế được coi là bọn người tội lỗi vì là bọn đi làm thuê cho La- mã, chính quyền thuộc địa, bọn cướp nước, trong lúc Người Biệt phái là những người bậc thày trong dân, giới đạo đức, những người làm cha thiên hạ! Người thu thuế đứng lẻn đàng xa, không dám ngước mắt lên trời, nhưng chỉ đấm ngực mà rằng: Lạy Thiên Chúa, xin xót thương tôi là kẻ tội lỗi! - „Ta bảo các ngươi, người này về nhà thì đã được tha tội, khác với người Biệt phái kia " ( Lc 18:11-14)

" Tôi thú nhận cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu xót". Những điều thiếu xót là những điều gì? Đây là một trong những lý do để phải xám hối, nhưng chưa được đào sâu. Vì nhiều khi chỉ cần bớt đi được một lời nói, thì sự thanh bình đã thăng hoa, hay giảm đi một chút tự ái, thì tình nghĩa con người đã thêm đặm đà.....Thế mà ta thiếu sót! Có những trường hợp khác, chỉ cần ta rộng rãi thêm một chút nữa, thì ta đã không làm! Còn nhiều lắm, ở trong từng hoàn cảnh và môi trường sống của riêng mỗi người, nếu tự kiểm điểm, tự xét mình với một lương tâm ngay thẳng, có tác phong đứng đắn, ta sẽ nhận thấy những chỗ nào là “những điều thiếu sót”, nhất là bổn phận của ta qua lăng kính đức bác ái và lòng vị tha. 


Truyện (5)

Hai vợ chồng có tính hay ăn vụng. Một hôm vợ nấu một chõ xôi cho việc cúng giỗ. Khi chõ xôi gần chín, hơi bốc lên nghi ngút, mùi thơm của xôi hấp dẫn. Nhìn chung quanh không thấy có ai, cô vợ mở vung bốc một nắm xôi nóng hổi, đứng nấp vào đàng sau cánh cửa nhà bếp mà ăn.

Ông chồng trên nhà xuống, thấy mùi xôi hấp dẫn quá, nhìn chung quanh không thấy ai, bèn mở vung bốc một năm xôi và cũng đứng nấp sau cánh cửa mà ăn. Nhưng khi vừa mở cánh cửa ra, gặp ngay bà vợ cũng đang ăn vụng xôi, liền nói : „Ủa, mẹ mày cũng ăn vụng à ?“

Thế là hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau cười với một cái nhìn thông cảm và hiểu biết.
Thiên Chúa muốn kết hợp vợ chồng nên một. Chữ “nên một” đây có ý nói đến sự hòa đồng giữa vợ chồng, chẳng ai đổ lỗi cho ai, mà lại „cùng nhau ăn vụng“ thì xôi mới ngon! Hình như ngon gấp đôi!                                   


4. Phúc thay ai khát khao nên người công chính

" Công Bình và Chính Trực " là hai tiếng thường đi đôi trong ngôn ngữ Việt Nam.  Nhưng khi ta hỏi " Sự công bằng là gì? ", " Sự chính trực là gì? " , "Thế nào gọi là  Sự công bằng, hợp lý?", thì nhiều người sẽ suy nghĩ rất khác nhau vì nó có những giá trị khác nhau, và tùy theo tâm lý. Cùng một việc xẩy ra, thí dụ, một người cương quyết, can đảm, hy sinh chịu chém đầu, sẵn sàng chết vì đức tin. Đối với người tín hữu, thì đó là một vị thánh tử đạo. Nhưng những người không có đức tin thì lại cho rằng đó là một tên khùng!

Riêng trong Thánh Kinh, "sự công chính, điều công chính" lại phải, và cần được hiểu  như sau:
                -  " Vì do sự bất tuân của một người, mà nhiều người bị liệt vào hàng tội nhân, thì cũng một lẽ ấy, nhờ sự vâng phục của một người, mà nhiều người được liệt vào hàng công chính (cứu rỗi)". ( Rm 5: 19).
                - " Khi anh chị em được  trở nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được hòa thuận với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng cho chúng ta nhờ Đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Thiên Chúa " (Rm : 1-2 ).
Nếu biết hồi tâm tĩnh trí, ta sẽ thấy mình đầy những bất công, không những chỉ trong cách ăn nết ở, trong quyền lợi vật chất, mà  còn đầy rẫy những bất công ngay cả trong những tư tưởng, cách xét đoán. Thí dụ: Ta dễ luận tội người khác, dễ phê bình, phán đoán nghiệt ngã, cay nghiệt và hà khắc đối với người khác, trong lúc nếu ta ở trong cùng những hoàn cảnh như thế, thì mình lại luôn luôn chữa mình, nại đủ thứ lý do để tha thứ và bào chữa cho mình.Chính vì vậy mà "điều công chính", " sự công chính ", theo các nhà chú giải Thánh Kinh, thường được hiểu theo một nghĩa rất phổ thông khác, là "sự công bình ", đồng nghĩa với " công lý ". Mà nếu " sự công chính " được hiểu theo nghĩa này, thì đó chính là khuôn vàng thước ngọc đúng theo Lề Luật Chúa dạy: „Điều chúng con muốn được người khác làm cho mình, thì chính chúng con hãy làm cho người ta như thế“.


Truyện (6)

Người xứ Dahomey có phong tục đáng khen ngợi: khi hai vợ chồng giận nhau, mỗi người ngồi một góc nhà. Sau một lúc, người chồng đứng dậy nói với vợ:
          - Tôi là một đứa điên.
          Lúc sau, người vợ cũng đứng dậy nói với chồng :
          - Tôi là một đứa điên.
          Sau cùng, cả hai vợ chồng ra giữa nhà và nói :
          - Chúng ta là những người điên.
Rồi hai người nhìn nhau thông cảm tặng cho nhau những nụ cười khả ái, duyên dáng tươi vui. Sau cuộc đình chiến ngắn ngủi ấy, mọi người liền được hưởng bầu khí hòa bình trong nhà !

Con người của ta, tự mình, không ai dám xưng mình là người công chính! Vì tất cả chúng ta, " đều là người ", đều thấy mình đầy những bất xứng, đầy những bê tha, hèn hạ, yếu đuối, dễ sa ngã, dễ muốn làm điều ác để có lợi cho mình, bất kể đến quyền lợi của người khác. Nói rõ hơn, phải bình tâm mà nhìn lại và suy nghĩ, mới thấy mình tầm thường, với tất cả những điều tham, sân, si, hỉ, nộ, ai, ố!


5. Phúc thay ai xót thương người

Người thương xót là người đau lòng về nỗi khổ của người khác. Đây là điểm chúng ta cần tự vấn. Phải chăng lòng ta chai lỳ trước nỗi khổ của người khác, giống như các đô tuỳ, quen việc khiêng và chôn xác người chết, nên ít còn xúc động trước nỗi đau buồn của thân nhân người chết.

Người thương xót ưu tiên quan tâm đến những ai bé mọn, những bệnh nhân, những người bị người khác nhục mạ hay bạo hành. Chúng ta có đau lòng khi thấy người khác bị đối xử bất công không ? Người thương xót là người cố gắng tìm cách giải thoát những ai lâm cảnh nô lệ dưới bất cứ hình thức nào. Trong xã hội hôm nay, có rất nhiều hình thức nô lệ. Hơn nữa, giúp cho người khác được giải thoát cũng chính là giúp cho mình được giải thoát. Ta sẽ không bao giờ trở thành người tự do nếu không nỗ lực giúp cho các anh chị em ta được tự do.
" Lòng thương người ", hiểu một cách cụ thể, phải là đức bác ái. Riêng với người tín hữu Chúa Kitô, thì Bác ái là sống đạo: „Ai nghe lời Ta mà đem ra thực hành thì, Thày chỉ cho các con hay, người đó giống như kẻ xây nhà, đã đào bới rất sâu, đã đặt nền móng trên đá…“. Ở chỗ khác Chúa Giêsu phán rõ: " Không phải cứ "Lạy Chúa! Lạy Chúa!" mà được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Cha trên trời mới được vào nước thiên đàng mà thôi" ( Mt 7:21 ). „Này là lệnh truyền của Thày: Các con hãy thương yêu nhau" (Jn. 15:12)

Bác ái là một bổn phận, là một nhiệm vụ, là một việc phải làm. Không phải chỉ là điều khuyên, như nhiều người hiểu lầm là làm hay không cũng được. Lời Chúa dậy rõ ràng, minh bạch rằng: " Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Jac 2:14-15).

Thương yêu thế nào? Có phải cứ thương yêu bằng nước bọt, bằng lời nói xuông, bằng đầu môi chót lưỡi là đã đủ, phải không? Ở những đoạn, những câu khác trong Sách Thánh, người ta còn tranh biện về nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa trừu tượng, nghĩa ám tỷ, nghĩa nọ nghĩa kia, chứ những Lời dậy về việc bác ái, nghĩa là: Cần và phải thương yêu người khác bằng việc làm, cần tỏ ra tình thương yêu anh chị em mình bằng hành động, thì thật là rõ rệt, minh bạch, sáng tỏ, đến nỗi không ai có thể chỗi cãi, tranh luận, tranh biện, hoặc hiểu khác đi được.

Xin hãy gẫm suy từng lời, từng câu, từng tư tưởng được trích ra từ Sách Thánh: " Ai có 2 áo, hãy cho người không có. Ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy" ( Lc. 3:11)
Vậy xin hỏi: Ta đã làm như vậy hay chưa?

Người Samaritanô hiền hậu trong Thánh Kinh, là một thí dụ cụ thể nhất, minh bạch nhất, được Chúa Giêsu dùng để nói với mọi thứ bậc con người qua mọi thời đại về việc phải, cần phải làm, và là điều kiện tuyệt đối cần, để được vào Nước Trời: " Một nhà luật sĩ đã hỏi để thử Chúa Giêsu: Thưa Thày, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời? Ngài phán: Trong luật pháp, có chép điều gì? Ông đọc thấy gì trong đó? Thưa rằng: Ngươi phải kính mến Thiên Chúa là Chúa ngươi hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn, và yêu người lân cận như mình. Chúa Giêsu phán rằng: Ông đáp phải lắm; hãy làm điều đó thì được sống. "

Quan trọng hơn cả là chúng ta hãy thực thi giới răn yêu thương với những người ở gần mình nhất, có liên hệ mật thiết cụ thể với mình, thí dụ vợ chồng đối với nhau. Hãy cùng nhau nghe câu truyện sau để cùng suy nghĩ:

Truyện (7a)

Ngày xưa, ở vương quốc nọ, có vị vua đánh chiếm được một thành phố. Trước khi tiến vào cai trị, nhà vua đưa ra một mệnh lệnh : Tha chết cho tất cả đàn bà trong thành, hẹn ngày mai, trước khi trời sáng, mỗi người có thể đem theo một vật gì quí giá nhất của mình để rời khỏi thành phố. Rạng sáng hôm sau, nhà vua nhìn thấy tất cả đàn bà trong thành đều vác trên vai một bao vải thật to, thật nặng, nặng đến nỗi họ không thể đi được mà chỉ lê từng bước mệt nhọc. Vị vua quí trọng phụ nữ này tò mò, sai lính ra tìm hiểu vật họ vác là gì. Thì ra đó là quí… ông chồng của họ. Như vậy thì vợ chồng đã sống bác ái hết lòng!


Truyện (7b)

Truyện vui : Anh cũng là của tôi.
          Hai vợ chồng cãi nhau, chồng tức quá hét lên :
          - Cô cút đi, mang theo tất cả những gì là của cô !
Vợ vừa khóc vừa thu xếp quần áo, và lấy một chiếc bao tải lớn úp vào người chồng bảo :
          - Anh chui vào đây!
Chồng hoảng quá bảo :
          - Cô làm gì vậy ?
Vợ thẳng giọng nói :
          - Anh cũng là của tôi, chui vào ngay !


6. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch

Suy nghĩ về Bài Giảng Trên Núi, D. Bonhoeffer đã viết như sau: “Ai có tâm hồn trong sạch? Đó là người không làm nhơ bẩn tâm hồn mình bằng điều ác mình phạm hoặc điều thiện mình làm”. Lời nói thật hay. Hãy để ý đến vế sau: không làm nhơ bẩn tâm hồn mình ngay cả bằng điều thiện mình làm (thí dụ làm kiểu Pharisêu!) Đừng tự phụ về những việc lành mình làm cho người khác.

Tâm hồn trong sạch là tâm hồn đơn sơ, như tâm hồn của Thiên Chúa. Tâm hồn trong sạch không thấy mình làm điều tốt cho người khác, giống như một phụ nữ thật sự đẹp không biết rằng mình đẹp. Tâm hồn đơn sơ không có vết nhăn, vì đơn sơ, theo nguyên ngữ la tinh „simplex“, tức là không có nếp gấp. Ngược lại, „duplex“ có nghĩa là gấp đôi, tức là có nếp. Và „complex“ là nhiều nếp gấp, nên phức tạp. Thiên Chúa là „đơn“, tức ngược lại với “đúp”. Cuộc đời đúp là cuộc đời mang mặt nạ. Mặt nạ làm cho người ta có hai bộ mặt. Nó là bộ mặt mang thêm, dính vào da thịt, che giấu bộ mặt thật, thậm chí có khi tác hại nặng nề đến bộ mặt thật.

Thư Giacôbê viết: “Người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình” (Gc 1,23). Đó là bộ mặt tự nhiên, đã được Thiên Chúa ban cho, chứ không phải bộ mặt giả tạo. Thiên Chúa yêu bộ mặt nghèo khó của ta. Mang thêm bộ mặt khác là giả trá. Cha H. de Lubac nói: “Người có tâm hồn trong sạch thì có được hai phúc, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa và, qua họ,người ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đã dậy rất minh bạch: " Vì tự bên trong, tự lòng người ta, mà xuất ra những suy tính xấu xa: tà dâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, gian dối, hoang đàng, ganh tỵ, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Tất cả những điều xấu ấy, đều từ bên trong mà xuất ra, và làm cho người ta ra dơ dáy " (Mc 7:21-23).

Thánh Vịnh từ ngàn năm trước đó cũng đã viết: " Ai sẽ được lên Núi Thánh, núi của Giavê? Ai sẽ đứng vững trong thánh cung của Ngài? - " Ấy là người có đôi tay trong sạch, cõi lòng thanh khiết, chẳng hề hướng linh hồn mình về sự hư không" (Tv 24:2-4)

Riêng trong lời chúc phúc này, một số ý tưởng liên hệ cần được hiểu cho xác thực và đúng mức vì, như trong Kinh " Tám Mối Phúc Thật ", giáo dân các địa phận " Dòng " vẫn đọc : " Thứ sáu: Ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy", thì chữ " sạch sẽ " đã được giải thích, và diễn giảng để giáo dân  hiểu rất khác! Từ đó nhiều người đã bị lầm lẫn và đã "thật bối rối".

Trong tiếng Việt, có những chữ phổ thông như: 1. Tinh khiết  2. Trinh khiết  3. Thanh khiết  4. Tinh sạch  5. Khiết tịnh  6. Thanh tịnh   7. Thanh sạch. Nhiều người ta đã lầm lẫn chữ "trinh khiết, trong sạch hay thanh tịnh " với chữ " đồng trinh " nên đâm ra hoảng, vì đời sống „đồng trinh“ của bậc tu trì không dành cho mình!

Tóm lại có lòng trong sạch nghĩa là không bao giờ có một ý nghĩ nào sai lệch. Người có lòng trong sạch là người mà lời nói luôn trung thực với ý nghĩ mình. Trong xã hội loài người, không thiếu gì trường hợp người ta nghĩ một điều mà lại nói một điều khác, vì cả nể, vì tư lợi, hay vì sợ hãi. Ngài là Đấng mà suốt đời “Có thì nói có và không thì nói không“. Và nhất là phải công nhận những đặc tính tốt của người khác, nhất là trong đời sống vợ chồng.


Truyện (8)

Có một cha giải tội, sau khi nghe hối nhân thú tội, ngài khuyên lơn rất nhiều về đời sống gia đình, phải chấp nhận những nết xấu của nhau… Đừng coi nhau như „thánh giá bùn, tháng giá chì…“ Và nếu vợ chồng là thánh giá của nhau thì cũng phải yêu quí thánh giá ấy. Thế là ngài ra việc đền tội cho hối nhân :”Về nhà con hôn Thánh giá hai lần”. Sau khi ra khỏi tòa giải tội, hối nhân trở về nhà. Bỗng dưng ông ôm chầm lấy vợ và trao cho vợ hai cái hôn thắm thiết. Bà vợ ngạc nhiên, thấy chồng có cái gì khang khác, mới hỏi lý do. Ông ôn tồn nói rõ nguyên nhân sự việc. Thật lạ lùng. Sau khi nghe chồng kể xong, lẽ ra bà vợ phải trách móc, đay nghiến ông chồng như vẫn  thường làm, vì ông dám coi bà là “thánh giá”, là gánh nặng,  thậm chí là của nợ của đời ông. Ngược lại, bà ôm lấy chồng và trao hai nụ hôn cháy bỏng đáp trả, khiến ông chồng cũng ngạc nhiên không kém. Phúc thay: họ đều là Thánh Giá của nhau và cho nhau (nên mới khoái hôn nhau)!


7. Phúc cho ai xây dựng hoà bình

Đây là người thực sự kiến tạo sự bình an. Phải đấu tranh nhiều cho công cuộc này, ngay cả trong đời sống gia đình. Tiên vàn phải là người sống bình an để có thể đem bình an đến cho người khác. Phải chăng tôi thích chịu khổ hơn là làm cho người khác phải khổ? Phương châm là đừng bao giờ làm cho ai phải khổ. Nếu vạn bất đắc dĩ có làm cho người khác đau khổ, thì phải có lý do mạnh hơn: làm thế là vì bác ái. Quả thực, có những trường hợp phải làm cho người mình yêu thương đau khổ vì ích lợi của người đó. Thí dụ???

Được gọi là con Thiên Chúa những ai cổ võ hòa bình. Con Thiên Chúa là những ai biết hy sinh cho một nền hòa bình chân chính, trong đời sống riêng tư cũng như trong tập thể cộng đồng dân tộc, được thể hiện ngay trong cuộc sống thường ngày, được áp dụng vào hoàn cảnh của chính chúng ta, từng cá nhân trong mỗi cảnh ngộ của riêng mình. Xin đừng tưởng ở đâu xa. Con Thiên Chúa là những phần tử đáng được những phần thưởng cao qúi nhất, danh dự nhất, là những ai đã hiến thân cả một đời cho nền hòa bình thực sự, lâu dài và vĩnh cửu. Con Thiên Chúa là những người bị ghen ghét khi mình cố làm điều ngay thẳng trong những hoàn cảnh xã hội đầy nhiễu nhương, xô bồ, hỗn loạn, bạo động.

Đáng được gọi là con Thiên Chúa những ai đã cố gắng nhẫn nại, âm thầm nhịn nhục trước những điều hành tỏi, chửi xéo, nói cạnh khóe, điêu ngoa, đưa điều, xúi xiểm, nói móc họng, đặt điều vu khống với dụng ý để thoả mãn lòng hận thù của họ. " Họ " đây là những ai? Có thể là ngay chính bà mẹ chồng hay nàng dâu quí, hay cô em quí nhà chồng, ngay cả những chị em cùng đội, cùng lớp, cùng dòng tu. Muốn có hoà bình, Sách Thánh đã dậy: " Cần phải nhịn nhục đối với mọi người ." (1Thes 5:14) „Đừng có lấy ác mà báo ác, nhưng hãy luôn tìm điều thiện." (1Thes 5:15) 
               
Muốn có hòa bình phải biết chịu đựng, chịu đựng nhiều thứ, chịu đựng nhiều người, chịu đựng nhiều chuyện lắm. Chịu đựng ông“xếp“, nhường nhịn vợ mình, chịu đựng chồng con, chịu đựng ngay cả mấy thằng cha căng chú cắc lái xe ẩu ở ngoài đường phố nữa. Lái xe đi làm, có mấy ngày mà không gặp lọai người ấy. Chịu đựng mấy ông mấy bà trong hội đồng giáo xứ, trong ca đoàn, hay nói ngang như cua bò ngược; chịu đựng mấy anh chị tuổi mâng mâng, coi trời bằng vung; chịu đựng ông nhà nước cấm đoán lung tung, đủ thứ, chịu đựng mấy anh nhà quê, "dốt bỏ bu" đi mà cứ hay lên mặt dậy đời; chịu đựng những hoàn cảnh éo le, trong đó những điều căn bản về nhân quyền, như quyền được tự do sinh sống, tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do buôn bán cũng bị chèn ép, đàn áp, dập dụi.


Truyện (9)

Tạp chí Reader’s Digest số xuất bản tháng 11 năm 1985 có đăng một chuyện ngắn, nhưng đầy ý nghĩa về gia đình : Đôi vợ chồng đã nhiều lần cãi nhau và lần này, đang lúc hai người cãi nhau hăng say thì người chồng đề nghị với vợ :”Này, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Mỗi người hãy lấy giấy viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”.  Người vợ đồng ý.  Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống viết một câu. Người vợ thấy chồng mình bắt đầu viết, liền hối hả viết liên hồi, dường như có ý tranh với chồng để kể ra nhiều tật xấu hơn. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ. Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tật xấu của người chồng và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.

Đến lúc không còn gì để viết nữa, họ trao cho nhau bảng kể tội của hai người.  Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng nét mặt người vợ bỗng đổi vì xúc động.  Bà vội vã đòi lại tờ giấy đã đưa cho chồng và có thái độ làm hòa ngay.  Trong tờ giấy của người chồng bà chỉ đọc được có một câu duy nhất : ANH YÊU EM.

Nói chung, xây dựng hoà bình cũng là góp phần làm cho người khác được hạnh phúc. Phải nói được như thánh Phanxicô Salê: “Tôi muốn là một thương gia bán hạnh phúc và cửa tiệm của tôi luôn đầy ắp khách hàng”.


8. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính

Ngay sau điều Phúc Thứ Tám của  "Tám Mối Phúc Thật", Chúa Giêsu đã mạch lạc giải thích và nhấn mạnh hơn về trường hợp những ai bị xỉ nhục, cười chê, nhục mạ, xỉ vả, vu cáo, bị bắt bớ, sát hại, vì Danh Ngài: " Khi nào vì Thày, mà người ta xỉ vả, bắt bớ,  và tìm mọi điều dữ để vu khống cho chúng con, thì chúng con thật là có phúc. Hãy hoan hỉ và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng dành cho chúng con ở trên trời lớn lao lắm; bởi vì người ta cũng bắt bớ các Tiên Tri trước chúng con như thế" (Mt 5:11-12).

Mầu nhiệm về công ơn cứu chuộc của Con Thiên Chúa xuống thế làm người được gắn liền với khổ giá của Chúa Kitô. Không qua con đường khổ giá và sự chết đau đớn ghê ghớm của Chúa Cứu Thế, không thể mang lại hoa trái là đời sống vĩnh cửu của muôn người. Vì thế, qua các thời đại, người ta vẫn hiểu rằng, đây là trường hợp của những người bị xử tử, bị hành quyết, vì đức tin Công giáo, vì đạo thánh Chúa (như các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

Suốt ba năm trong cuộc đời công khai rao giảng về Nước Trời, và đạo lý Ngài đã mang từ trời xuống, nhiều lần Chúa Giêsu đã báo trước về cuộc tử nạn đau thương  khủng khiếp Ngài sẽ phải trải qua. Đó là một phép rửa bằng máu, do chính máu thánh của Chúa Giêsu sẽ phải đổ ra, chan hòa và tràn lan, từ dinh Caipha, qua dinh Philatô, lên đến núi Sọ: " Này là Máu Ta, Máu của sự giao ước sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội." (Mt 26:28)
               
Chúa Giêsu đã tuyên bố rất rõ khi Ngài sánh ví mình với người chăn chiên tốt lành. Vì yêu thương đoàn chiên, người chăn chiên tốt lành ấy đã sẵn sàng thí mạng sống mình vì con chiên. Ngài đã tự do và hoàn toàn ý thức việc Ngài làm trên đường dấn thân thi hành ý định của Thiên Chúa Cha: " Ta là người mục tử hiền lành. Người chăn chiên hiền lành thì hiến mạng sống mình vì đàn chiên“.

Nếu trong chúng ta ai cũng cố gắng trở nên một người chăn chiên nhân hậu thì thế giới sẽ chẳng còn cảnh người bách hại người nũa. Bạn hãy thử áp dụng Phúc Thật thứ VIII vào giai đình, hội đoàn và xứ đạo thử xem.


Truyện (10)

Ông FLAVIÈRE, nguời đặc trách mục Truyện Đồng Quê của nhật báo “Ngôi Sao” xuất bản tại thủ đô Manila (Philippines) có kể lại câu chuyện vui sau đây :

Có anh nông dân kia đã lập gia đình hơn 10 năm nay, nhưng hầu như ngày nào cũng phải gặp cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vợ chồng anh cứ cãi lộn với nhau hoài. Một hôm, quá buồn lòng, anh nông dân tìm đến một người bạn thân gần đó và xin anh ta góp ý kiến: „Làm thế nào để tôi không những ly dị được con mụ vợ ưa gây sự này sự nọ, mà còn làm cho mụ ta  phải khổ tâm suốt đời.“
         
Người bạn của anh ta vấn kế: „Nếu anh quả tình muốn bỏ đi và muốn làm cho chị ta phải khổ tâm, thì bây giờ anh hãy về và cố gắng cư xử với chị ta  như với một bà hoàng hậu thực sự. Sau đó đôi ba tháng anh sẽ bỏ đi, và tôi dám chắc rằng chị ta sẽ phải đau khổ suốt đời, vì lúc đó không còn ai phục dịch chị ta như một bà hoàng nữa.“

Anh nông dân nghe lời, về nhà làm y như lời bạn khuyên. Anh đối xử rất tốt với vợ và bất cứ điều gì chị vợ muốn, anh ta đều mau mắn thực hiện, cứ như người hầu hèn hạ trung thành đối với bà hoàng của mình. Thời gian qua đi, 2 tháng, rồi 3 tháng. Người bạn của anh nông dân chờ mãi không thấy anh đến cho biết quyết định ra đi, liền đến tận nhà thăm hỏi và được anh ta trả lời: „ Làm sao tôi có thể rời bỏ nàng được, bởi vì từ ngày tôi đối xử với nàng  như với một bà hoàng, thì ngược lại, nàng cũng đối xử với tôi như với một ông vua?  Không, tôi không thể nào xa rời người bạn đời đã đối xử với tôi quá tốt như thế“!


KẾT LUẬN

Theo nhiều tác giả, đoạn văn về các Mối Phúc cần được gắn liền với hai dụ ngôn về „Muối Đời“ và „Ánh Sáng Thế Gian“ (c.13-16). Lối hành văn của thánh Matthêu đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chúa Giêsu không nói rằng: "anh em hãy nên muối... anh em hãy nên ánh sáng", nhưng: "anh em là muối ... anh em là ánh sáng". Điều này hàm ngụ rằng đây là một thực tại đã xảy ra nơi cộng đoàn Kitô hữu rồi, chứ không còn là một mệnh lệnh cần phải thực thi. Các Kitô hữu được ủy thác một sứ mạng truyền giáo ở giữa đời: họ „là muối cho đất“, „là ánh sáng cho trần gian“. Thế nhưng, liền theo đó là một lời cảnh cáo về một tình trạng nghiêm trọng : "Nhưng mà nếu muối đã nhạt... đèn bị úp lại (chứ chưa nói đến chuyện tắt lịm!)", thì… mọi sự sẽ ra sao đây?!

Nếu các Kitô hữu không chu toàn sứ mạng của mình, thì chẳng có ai thay thế họ được đâu! Họ hãy chiếu sáng cho thế gian bằng đời sống chứng tá; nhưng liệu làm sao để đừng rơi vào khuyết điểm của các Biệt Phái: họ đừng tìm vinh danh hão huyền khi làm việc thiện, nhưng hãy giữ gìn tâm hồn trong trắng (chân phúc thứ 6), mong sao cho thiên hạ ngợi khen Cha trên trời.

Windheim, 18. Juni. 2012
Dr. Francis HO
(Trong bài này tác giả có xử dụng nhiều tài liệu khác nhau tìm được trên Internet)

.........................................
PHỤ LỤC

TÁM MỐI PHÚC THẬT CHO CÁC CHÁNH TRỊ GIA
Đức cố HY Fx. Nguyễn Văn Thuận (nhấn mạnh: "tôi chỉ phát biểu như một mục tử")

MỘT: Phúc cho những Chánh trị gia nào ý thức cao độ và hiểu biết sâu rộng về vai trò của mình. Công đồng chung Vatican II (1962-2012) đã định nghĩa Chánh trị là một Nghệ thuật cao quý và khó khăn. Ngày nay, gần 40 năm sau, và giữa thời đại hoàn vũ hóa, định nghĩa nầy lại càng được cũng cố hơn khi chúng ta nhận thấy rằng người ta chỉ có thể đáp ứng sự yếu đuối và mong manh của hệ thống kinh tế với chìều kích toàn cầu bằng sức mạnh của Chánh trị hòan vũ kiên cố và đặt nền tảng trên những giá trị được mọn người nhìn nhận.

HAI: Phúc cho Chánh trị gia nào biết phản ảnh uy tín qua nhân cách của chính mình. Trong thời đại chúng ta, Chánh trị thế giới có biết bao tham nhũng, lạm quyền dính liền với chi phí quá cao trong các chiến dịch tranh cử. Tình trạng tiêu cực này ngày càng gia tăng khiến cho các nhà chánh trị ngày càng mất uy tín. Để lật ngược tình thế, cần phải đưa ra một trả lời vững chắc. Một câu trả lời bao gồm cả nổ lực canh tân và sửa đổi để phục hồi hình ảnh của nhà Chánh trị.

BA: Phúc cho Chánh trị gia nào biết hoạt động cho Công ích chứ không chỉ lo cho tư lợi. Để sống phúc thật này, Chánh trị gia phải tự vấn lương tâm, tự hỏi tôi đang lo việc cho dân tộc hay cho riêng tôi. Tôi có đang làm việc cho Tổ quốc, cho văn hóa hay không? Tôi có đang làm việc để đề cao Luân lý, Đạo đức hay không ? Tôi có phục vụ chân thành cho nhân loại hay không 

BỐN: Phúc cho Chánh trị gia nào biết trung thành sống phù hợp với Niềm Tin của mình. Niềm Tin đi đôi với đời sống dấn thân hoạt động chính trị. Cần tôn trọng những điều mình đã hứa, lời nói đi đôi với việc làm.

NĂM: Phúc cho Chánh trị gia nào thực hiện và bảo vệ sự Hiệp nhất bằng cách đặt Chúa Giêsu là trọng tâm. Chúa Giêsu vốn là trọng tâm Hiệp nhất. Sở dĩ như thế vì chia rẽ là tự hủy. Ở Pháp, người ta nói các tín hữu Công Giáo Pháp không bao giờ cùng đứng chung với nhau trừ lúc nghe đọc Phúc Âm. Theo tôi, câu nói bình dân nầy cũng có thể áp dụng cho nhiều dân tộc các nước khác được.

SÁU: Phúc cho Chánh trị gia nào dấn thân thực hiện một cuộc thay đổi tận gốc rễ. Sự thay đổi như thế xãy ra khi người ta cố gắng tranh đấu chống lại sự sa đọa trí thức như nhất quyết không gọi là Thiện những gì là Ác. Không xếp Tôn giáo vào xó riêng của cuộc sống tư riêng, nhưng biết ý thức những ưu tiên trong những chọn lựa của mình dựa trên Đức Tin có một Đại Hiến chương là Phúc Âm.

BẢY: Phúc cho Chánh trị gia nào biết lắng nghe. Biết lắng nghe tiếng dân trước, trong và sau cuộc bầu cử. Biết lắng nghe Lời Chúa qua kinh nguyện. Hoạt động của Chánh trị gia ấy sẽ đạt được nhiều chắc chắn, an ninh và hữu hiệu.

TÁM: Phúc cho Chánh trị gia nào không sợ hãi. Trước hết, không sợ ở trong Chân lý. Đức Gioan Phaolô II đã nói: người ta không bầu Chân lý. Một Chánh trị gia chỉ nên sợ chính mình mà thôi, vì chỉ có mình biết mình. Chánh trị gia không nên sợ các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong cuộc phán quyết sau hết, Chánh trị gia sẽ phải trả lẽ hành động của mình trước Thiên Chúa, chớ không phải các phương tiện truyền thông đại chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét