Nhân dịp phong thánh cho nữ tu
Maria Faustina Kowalska, ngày 30/4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II
đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại Lễ
Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ
cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng.
Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của bí tích hòa giải, nơi mà
con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.
Cử chỉ trao ban bình an của
Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và
kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và
cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: "
Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế
rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần,
các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội
người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng
ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa
đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi
chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn
in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết
thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể
nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng
tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng
cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi
quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả,
hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là
tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy
những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương
xót của Thiên Chúa!
Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa,
Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế
giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người
muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay,
nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương
vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao
ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim
Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích
cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu
nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình
ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến bí tích Rửa Tội và hồng
ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).
Lời kinh chúng ta vẫn đọc:
"Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà
chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên
Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa
mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của
tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập
thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng
luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi
lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu
hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn
luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở
về với Chúa.
Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng
ta đang sống, theo Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung
mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người
thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao
giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương
xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới
bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17-03-2013).
Giờ kinh Truyền Tin ngày
11-01-2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng
thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào
các môi trường xã hội khác nhau”. Để sống tốt Mùa Chay Năm Thánh, đặc biệt cảm
nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta xóa bỏ sự thờ ơ, ngài viết: “Chúng ta
đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm
xúc…” (x.Misericordiae Vultus số 15).
Ngài xác tín rằng, cốt lõi của
Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả
mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để
hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi
vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành,
chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả
lời Phỏng Vấn 04-12-2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã
hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống
với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám
Mục Thế Giới ngày 18-10-2014).
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng
Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tin vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con
được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện:
"Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ